Ngoại giao Ngũ_Đại_Thập_Quốc

Ngay từ thời Đường, ngoại tộc quy phụ triều đình đã tiến vào Trung Nguyên định cư, sau loạn An Sử thì khu vực Hà Bắc, Thiểm Bắc và hành lang Hà Tây liên tiếp trở thành phạm vi thế lực của ngoại tộc, khiến chính cục Trung Nguyên dễ dàng chịu ảnh hưởng từ ngoại tộc. Ví dụ như người thuộc tộc Sa Đà, tộc Đảng Hạng được triều đình Đường sách phong làm tiết độ sứ, tộc Sa Đà lĩnh Hà Đông quân và sang thời Ngũ Đại thì kiến lập Hậu Đường, Hậu Tấn và Hậu Hán. Nhưng tộc Khiết Đan có ảnh hưởng lớn nhất, nhiều lần viện trợ cho người soán lập ở Trung Nguyên. Sau khi tộc Khiết Đan lập Khiết Đan Quốc, đến năm 946 thì tiến vào làm chủ Trung Nguyên, kiến quốc triều Liêu. Tuy nhiên, cuối cùng triều Liêu lại phải rút về khu vực Yên Vân, song vẫn còn ảnh hưởng nhất định đối với khu vực Trung Nguyên.[tham 4]

Trác Hiết đồ (một phần); miêu tả cảnh khả hãn, yên chi và bộ hạ tộc Khiết Đan tụ tập ăn uống sau khi ra ngoài săn bắn

Thời Ngũ Đại, ở phương bắc thì tộc Khiết Đan là mạnh nhất. Thời Đường, tộc Khiết Đan được triều đình thụ phong là Tùng Mạc đô đốc phủ, đến hậu kỳ triều Đường, thủ lĩnh Điệt Thứ bộ của tộc Khiết Đan là Da Luật A Bảo Cơ nổi lên và chinh phục các bộ khác, đến năm 907 thì tức khả hãn vị. Ông lần lượt trấn áp các cuộc phản loạn quý tộc Khiết Đan và chinh phục các bộ lạc tộc Hề, Thất Vi, Hiệt Kiệt Tư, Trở Bốc tại khu vực Mạc Bắc, về mặt quân sự và kinh tế đều rất cường thịnh. Năm 915, Da Luật A Bảo Cơ sau khi xuất chinh và giành được thắng lợi trước tộc Thất Vi thì về nước, song bị buộc phải giao lại hãn vị. Không lâu sau, ông kiến thành ở ven bờ Loan Hà, sang năm sau thì kiến lập Khiết Đan Quốc, tức Liêu Thái Tổ. Khiết Đan Quốc bắt người Trung Nguyên, tiếp nhận lưu dân đến tị nạn chiến tranh ở Hà Bắc, tin dùng những người Hán như Hàn Diên Huy, Hàn Tri Cổ, Khang Mặc KỳLô Văn Tiến, xem như công thần. Năm 925, Khiết Đan Quốc đông chinh Bột Hải Quốc, sau có ý đồ tiến xuống phía nam chiếm cứ Trung Nguyên. Sau khi Da Luật Đức Quang kế vị, thừa cơ Hậu Đường phát sinh nội loạn, tiếp nhận thỉnh cầu của Thạch Kính Đường mà xuất binh hiệp trợ giúp Kính Đường diệt trừ Hậu Hán và kiến quốc Hậu Tấn, Khiết Đan Quốc thu được Yên Vân thập lục châu. Đến khi Hậu Tấn Xuất Đế kế vị, Hậu Tấn lại không muốn xưng thần với Khiết Đan, lạm sát thương nhân Khiết Đan. Do vậy, Da Luật Đức Quang xuất binh nam chinh song chưa thu được thành quả, sau do nhờ đại tướng Đỗ Trọng Uy của Hậu Tấn đầu hàng, Da Luật Đức Quang chiếm Biện châu, kiến quốc triều Liêu, tức Liêu Thái Tông. Tuy nhiên, sau đó quân Liêu tịch thu cỏ và ngũ cốc, lạm sát người Hán, khiến người Trung Nguyên khởi binh kháng Liêu, Liêu Thái Tông trở về phía bắc và qua đời ở Sát Hồ Lâm. Sau đó, triều Liêu sút kém đi nhiều, song sau đó vẫn phù trì cho Bắc Hán, chiến tranh với Hậu Chu thì thua nhiều thắng ít, cuối cùng đến năm 959 thì bị Hậu Chu Thế Tông đoạt mất Doanh châu, Mạc châu. Sau khi triều Tống thành lập và tiêu diệt Bắc Hán, thống nhất Trung Quốc, trong cùng năm bắc phạt triều Liêu. Các danh tướng Liêu như Da Luật Sa, Da Luật Hưu Ca, Da Luật Tà Chẩn giao chiến với quân Tống ở Cao Lương Hà (nay bên ngoài Tây Trực Môn của Bắc Kinh), kết quả quân Liêu thành công trong việc đánh bại quân Tống.[tham 4]

Ngoài ra, vào thời Ngũ Đại ở phía bắc và đông bắc còn có các nước Hề, Thổ Dục Hồn, Thất Vi, Bột Hải. Thời Đường, Hề Quốc được thụ phong Nhiêu Lạc đô đốc phủ, đến trung hậu kỳ triều Đường thì nhiều lần xâm nhập biên cương Đại Đường. Sau này, Hề Quốc bị Khiết Đan Quốc chinh phục, người Khiết Đan kiến lập Trung Kinh để thống trị, rồi dần dần đồng hóa tộc Hề. Bột Hải Quốc là một cường quốc vào hậu kỳ triều Đường, đến năm 926 thì bị quân Khiết Đan tiêu diệt, Khiết Đan Quốc thành lập Đông Đan Quốc trên lãnh thổ cũ của Bột Hải Quốc, cho Thái tử Khiết Đan Da Luật Bội nhậm chức "hoàng vương". Sau khi Liêu Thái Tông kế vị, ông phế trừ Đông Đan Quốc, kiến lập Đông Kinh để quản lý. Thổ Dục Hồn bộ nguyên định cư ở khu vực Thanh Hải, song sau khi bị Thổ Phồn tiêu diệt thì tiến về phía đông đến khu vực Sóc Phương, Hà Đông, sang thời Ngũ Đại thì phân tán như tại Uý châu. Năm 936, Hậu Tấn cắt nhượng Yên Vân thập lục châu cho Khiết Đan Quốc, khiến một bộ phận tộc Thổ Dục Hồn thần phục Khiết Đan, song có không ít người chạy đến Thái Nguyên, đến chỗ Hà Đông tiết độ sứ Lưu Tri Viễn.[tham 4]

Vùng Hà Tây thời Ngũ Đại
  Hồi Cốt
  Khiết Đan

Hậu kỳ triều Đường, ở phương Tây thì Thổ Phồn là tối cường song vì nội bộ phân liệt nên suy yếu. Sang thời Ngũ Đại, hành lang Hà Tây bị nhiều tộc như Hồi Cốt, Thổ Phồn, Đảng Hạng chiếm cứ, với Cam Châu Hồi Cốt, Lục Cốc bộ Thổ Phồn, Hoàng Đầu Hồi Cốt, tộc Đảng Hạng thống lĩnh Định Nan quân ở Thiểm Bắc, Định Nan tiết độ sứ là tiền thân của Tây Hạ. Khi đó, chính quyền của người Hán chỉ gồm Quy Nghĩa tiết độ sứ ở Sa châu và Qua châu, Sóc Phương tiết độ sứ cùng Hà Tây tiết độ sứ là thuộc địa của Ngũ Đại và quản lý khu vực Lương châu và Lan châu. Thủ lĩnh tộc Đảng Hạng là Thác Bạt Tư Cung do có công bình loạn nên được Đường Hy Tông sách phong. Tuy nhiên, Định Nan quân độc lập tự chủ, về đối ngoại thì thần phục các triều Ngũ Đại và Bắc Hán. Thời Ngũ Đại, Hậu Đường Minh Tông có ý đồ thôn tính Định Nan quân, do vậy lệnh hoán đổi Đình Châu quân của An Trọng Tiến và Định Nan quân của Lý Di Siêu, cuối cùng Lý Di Siêu đẩy lui thành công quân Đường của An Trọng Tiến. Cuối cùng, sang thời Tống, Định Nan quân thôn tính vùng Hà Tây, lập quốc Tây Hạ.[tham 41] Khu vực Tây Vực lại có các nước như Tây Châu Hồi Cốt, Cao Xương Hồi Cốt, Quy Từ Hồi Cốt, Vu ĐiềnKhách Lạt hãn quốc, trong đó Vu Điền và Khách Lạt hãn quốc là hai nước lớn. Vu Điền quản lý một lãnh thổ rộng lớn ở nam bộ lòng chảo Tarim, Phật giáo thịnh hành ở nước này, quân chủ thuộc gia tộc Uất Trì, bắt đầu nắm quyền từ thời Hán. Thời Đường, nước Vu Điền từng thuộc Bì Sa đô đốc phủ, quốc vương Vu Điền khi đó là Uất Trì Phục Đồ Hùng kiêm nhiệm đô đốc. Sang thời Ngũ Đại, Vu Điền theo xu hướng Hán hóa, quốc vương Lý Thánh Thiên (Uất Trì Ô Tăng Ba) tự xưng là "Đường chi tông thuộc", trong nước thì thi hành tục cũ của triều Đường, đồng thời phái người sang triều cống triều đình Trung Nguyên,[tham 42] Hậu Tấn phong là "Thái Bảo Vu Điền quốc vương".[tham 43] Khách Lạt hãn quốc là thế lực Hồi giáo đông tiến chủ yếu, nhiều lần phát sinh chiến tranh với Vu Điền, song cuối cùng đều thất bại. Đầu thế kỷ XI, Quy Nghĩa quân và Vu Điền bị Tây Hạ tiêu diệt.[tham 44]

Năm 905, Khúc Thừa Dụ chiếm lấy thủ phủ Đại La của Tĩnh Hải quân, tự xưng là Tiết độ sứ, sau được triều đình thừa nhận. Năm 907, Khúc Thừa Dụ qua đời, con là Khúc Hạo kế vị, thực hiện cải cách hành chính, củng cố quyền hành ở Tĩnh Hải quân. Đến thời Khúc Thừa Mỹ, ông chủ trương thân thiết với triều đình Hậu Lương, công khai gọi nước Nam Hán là "ngụy đình". Năm 930, Nam Hán Cao Tổ Lưu Nghiễm khiển bộ tướng Lương Khắc TrinhLý Thủ Phu tiến công Giao châu- thủ phủ của Tĩnh Hải quân; bắt được Khúc Thừa Mỹ, Tĩnh Hải quân về tay Nam Hán, chấm dứt quyền lực của họ Khúc. Lương Khắc Trinh còn tiến công Chiêm Thành, cướp vật quý của nước này rồi rút lui. Lưu Nghiễm khiển bộ tướng Lý Tiến đi cai quản Giao châu.[tham 45] Sau khi họ Khúc bị lật đổ, đến năm 931, Dương Đình Nghệ bao vây Giao châu. Lưu Nghiễm khiển Trình Bảo đem binh cứu viện, song thành bị chiếm trước khi Trình Bảo đến nơi.[tham 45] Năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết chết, Kiều Công Tiễn đoạt lấy quyền cai quản Tĩnh Hải quân. Năm 938, một tướng cũ của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền nổi dậy lại Ái châu và sau đó tiến công Giao châu, Kiều Công Tiễn cầu viện Nam Hán. Lưu Nghiễm muốn nhân cơ hội này để đoạt lấy Tĩnh Hải quân, do vậy mệnh hoàng tử Lưu Hoằng Thao đem binh đến cứu Giao châu, Lưu Nghiễm tự mình đem một đội quân theo sau. Lưu Nghiễm lệnh cho Lưu Hoằng Thao suất chiến hạm theo sông Bạch Đằng tiến đến Giao châu, quân Nam Hán đại bại, sử gọi là trận Bạch Đằng. Lưu Nghiễm hay tin thì tập hợp tàn quân trở về Nam Hán.[tham 46] Năm 939, Ngô Quyền xưng vương, kiến lập nhà Ngô, định đô ở Cổ Loa, khu vực Việt Nam bắt đầu thoát ly lịch sử Trung Quốc, đến năm 968, nhà Đinh được kiến lập, Việt Nam chính thức đi trên con đường độc lập.

Đại Lý Quốc kế thừa Nam Chiếu tồn tại từ thời Đường, do Nam Chiếu xảy ra chiến tranh với Đường trong một thời gian dài, quốc lực ngày càng suy yếu, những năm cuối của Nam Chiếu nhiều lần xảy ra việc quyền thần soán vị. Năm 902, Thanh Bình quan Trịnh Mãi Tự bách hoàng đế Nam Chiếu là Mông Thuấn Hóa Trinh phải thoái vị, kiến quốc Đại Trường Hòa. Năm 928, Đông Xuyên tiết độ sứ (của Đại Trường Hòa) Dương Can Trinh và Thanh Bình quan Triệu Thiện Chính giết Hoàng đế Trịnh Long Dân, Triệu Thiện Chính kiến quốc Đại Thiên Hưng. Năm sau, Dương Can Trinh phế Triệu Thiện Chính, tự lập, kiến quốc Đại Nghĩa Ninh. Em trai của Dương Can Trinh là Dương Chiếu nhận thấy Hải Thông tiết độ sứ Đoàn Tư Bình có lòng dạ khác, do vậy thúc giục Dương Can Trinh phái binh truy sát. Đoàn Tư Bình liền thỉnh cầu Cao Phương che chở giúp đỡ. Sau đó, Đoàn Tư Bình hướng đông mượn binh tộc Thoán Đen, cùng em là Đoàn Tư Lương và quân sư Đổng Già La cất binh phản kháng. Năm 937, Đoàn Tư Bình diệt Đại Nghĩa Ninh, kiến lập Đại Lý Quốc, quốc đô là thành Đại Lý.[tham 4]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ngũ_Đại_Thập_Quốc http://www.britannica.com/EBchecked/topic/208994 http://www.britannica.com/EBchecked/topic/587074 http://military.china.com/zh_cn/dljl/songchao/01/1... http://edu.cnxianzai.com/gaozhongsheng/xuefazhidao... http://www.guoxue.com/shibu/24shi/Newwudai/xwdml.h... http://www.guoxue.com/shibu/24shi/oldwudai/jwdml.h... http://id.loc.gov/authorities/subjects/sh85024062 http://d-nb.info/gnd/4717161-3 http://vr.theatre.ntu.edu.tw/fineart/chap18/chap18... http://db1x.sinica.edu.tw/caat/caat_rptcaatc.php?_...